Đạo đức xuất bản
Tạp chí Dược liệu cam kết tuân thủ đạo đức xuất bản tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí và Quyền tác giả.
Để đảm bảo quy trình xuất bản được diễn ra rõ ràng, minh bạch và xử lý kịp thời các hành vi sai phạm trong xuất bản, Tạp chí Dược liệu đã ban hành đạo đức xuất bản với những nhiệm vụ và quyền hạn của các đối tượng liên quan như sau:
- Đối với Ban biên tập:
+ Quyết định xuất bản: Việc ra quyết định xuất bản cho các bài viết gửi đăng trên Tạp chí Dược liệu được dựa trên một quy trình phản biện nghiêm ngặt. Các bài viết phải đảm bảo có nội dung phù hợp với phạm vi xuất bản của Tạp chí, đồng thời không vi phạm các vấn đề về bôi nhọ, bản quyền và đạo văn.
+ Tính bảo mật: Tạp chí Dược liệu cam kết bảo mật các thông tin của bài viết trong suốt quá trình phản biện và xuất bản. Tên và địa chỉ email của người dùng chỉ được sử dụng vào các mục đích đã được nêu của Tạp chí và sẽ không được cung cấp cho bất kỳ bên nào khác hay cho bất kỳ mục đích nào khác.
+ Tính công bằng: Ban biên tập đánh giá bài viết dựa trên nội hàm khoa học.
+ Công khai về xung đột lợi ích: Ban biên tập không sử dụng các thông tin trong bài viết chưa được xuất bản cho nghiên cứu của chính mình khi chưa được sự đồng ý của tác giả; không được xem xét, đánh giá các bài viết có tên mình tham gia cũng như những bài viết có xung đột với tác giả về lợi ích do cạnh tranh, hợp tác hoặc các mối quan hệ trong đơn vị, công ty, tổ chức. Các thành viên trong Ban biên tập được yêu cầu công khai các xung đột lợi ích có liên quan (nếu có) trong quá trình xuất bản bài viết.
- Đối với phản biện: Người phản biện là các nhà khoa học trong và ngoài Viện Dược liệu, có uy tín, có nhiều công trình được công bố, có cùng chuyên môn hoặc gần chuyên môn với nội dung bài viết, có khả năng đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu.
+ Bảo mật: Các thông tin liên quan đến bài viết hoặc các cuộc thảo luận, trao đổi giữa phản biện và tác giả đều được giữ bí mật. Người phản biện không được phép chia sẻ các thông tin về bài viết với người khác khi chưa được sự đồng ý của Ban biên tập.
+ Xung đột lợi ích: Người phản biện phải đảm bảo không có bất kỳ xung đột lợi ích nào với tác giả, nhà tài trợ… liên quan đến bài viết. Nếu có bất kỳ xung đột hay mâu thuẫn nào phát sinh trong quá trình phản biện thì người phản biện có trách nhiệm báo cáo sớm cho Ban biên tập.
+ Đóng góp cho Ban biên tập: Phản biện có trách nhiệm giúp Ban biên tập đưa ra quyết định cho bài viết và hỗ trợ tác giả cải thiện chất lượng bài viết.
+ Tính khách quan: Người phản biện xem xét, đánh giá bài viết dựa trên tinh thần khách quan, trung thực, đảm bảo sự công tâm. Kết quả đánh giá dựa trên chất lượng nội dung và nội hàm khoa học của bài viết. Các quan điểm của người phản biện phải rõ ràng, cụ thể và phù hợp.
+ Xác nhận các vấn đề về nguồn gốc: Người đánh giá phải góp ý cho tác giả bổ sung các tài liệu liên quan mà chưa được trích dẫn; kiểm tra kỹ các vấn đề về đạo văn hoặc sự tương đồng trong bài viết với các bài báo đã xuất bản khác.
- Đối với tác giả:
+ Tiêu chuẩn bài viết: Các thông tin, dữ liệu cung cấp trong bài viết phải được trình bày chính xác và khách quan. Các tài liệu tham khảo phải được trình bày theo quy định của Tạp chí để độc giả dễ dàng tham khảo. Những công bố gian lận hoặc cung cấp thông tin không chính xác trong bài viết là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận.
+ Truy cập và lưu trữ dữ liệu: Tác giả có thể được yêu cầu cung cấp dữ liệu về bài báo để hỗ trợ quá trình phản biện. Các dữ liệu này cần được chuẩn bị và tác giả cung cấp quyền truy cập công khai cho Tạp chí trong một khoảng thời gian nhất định.
+ Về đạo văn: Tác giả phải đảm bảo rằng nội dung bài viết là do chính tác giả tạo ra, nếu bài viết có sử dụng thông tin người khác thì phải được trích dẫn tài liệu tham khảo cụ thể theo quy định của Tạp chí Dược liệu về Tài liệu tham khảo. Đạo văn có thể được thực hiện với nhiều hình thức, mọi hình thức đạo văn đều là hành vi vi phạm đạo đức và không thể chấp nhận được. Tác giả chịu trách nhiệm hoàn toàn về đạo văn, vi phạm bản quyền. Nếu vi phạm các trường hợp trên thì tác giả sẽ không được gửi bài để đăng trên Tạp chí trong thời gian 01 năm kể từ khi phát hiện vi phạm; đồng thời chịu xử lý theo quy định của Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật.
+ Xuất bản nhiều nơi hoặc trùng lặp: Tác giả phải gửi bài viết chưa từng được công bố trước đó; không gửi bài viết trên các tạp chí khác khi chưa có quyết định xét duyệt của Hội đồng Biên tập Tạp chí Dược liệu.
+ Quyền tác giả: Những người đã có đóng góp đáng kể cho bài viết liên quan đến việc thiết kế, thực hiện hoặc giải thích cho nghiên cứu phải được liệt kê là đồng tác giả. Những người đã tham gia vào các khía cạnh quan trọng nhất định của nghiên cứu phải được ghi nhận trong bài viết hoặc liệt kê ở phần Lời cảm ơn. Tác giả phải đảm bảo rằng tất cả đồng tác giả đều đã xem và đồng ý với phiên bản cuối cùng của bài viết trước khi gửi Tạp chí Dược liệu xuất bản.
+ Mối nguy hiểm và đối tượng con người, động vật: Nếu bài viết nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến hóa chất, quy trình hoặc thiết bị có tiềm ẩn mối nguy hiểm trong quá trình sử dụng thì tác giả phải thể hiện rõ ràng những điều này trong bài viết. Nếu bài viết có nội dung liên quan đến chủ đề động vật hoặc con người thì tác giả phải đảm bảo rằng đã tuân thủ đúng pháp luật, quy định và hướng dẫn của các tổ chức có liên quan; đồng thời được các tổ chức có liên quan phê duyệt. Tác giả phải cung cấp minh chứng về sự đồng ý hoặc cho phép thử nghiệm trên đối tượng là con người từ các tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật.
+ Tuyên bố và xung đột lợi ích: Tác giả nên cung cấp thông tin về những vấn đề xung đột lợi ích tài chính hoặc các mâu thuẫn khác có thể ảnh hưởng đến kết quả đánh giá bài viết. Tất cả các nguồn hỗ trợ tài chính cho dự án phải được công khai hoặc chia sẻ ở phần Lời cảm ơn. Những xung đột lợi ích tiềm ẩn cần được chia sẻ ở giai đoạn sớm nhất có thể.
+ Những lỗi cơ bản trong tác phẩm đã công bố: Nếu tác giả phát hiện sai sót hoặc thiếu chính xác trong bài viết đã xuất bản thì tác giả có nghĩa vụ phải thông báo cho Tạp chí Dược liệu để kịp thời điều chỉnh hoặc rút lại bài báo. Nếu Ban biên tập phát hiện sai sót của bài viết sau khi xuất bản thì tác giả có nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc phối hợp với Ban biên tập để chỉnh sửa bài viết.